Rượu Làng Chuồn – một thời tiến vua

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có một ngôi làng nổi tiếng từ xưa tên gọi là Làng Chuồn (tên chữ là An Truyền), thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, là ngôi làng văn vật nổi tiếng của xứ Huế. Làng được hình thành cách đây hơn 600 năm, nằm cạnh phá Tam Giang mênh mông sóng nước, mang đậm nét đẹp nguyên sơ của một làng quê Trung bộ, với đồng lúa ngút ngàn, lũy tre xanh mướt, với mái đình rêu phong cổ kính và lễ Thu tế hàng năm mang những dấu ấn đặc trưng của một vùng quê “bán nông, bán nghệ”.

Làng Chuồn có những dòng họ danh tiếng như họ Hồ, họ Nguyễn, họ Đoàn… Trong đó, tiêu biểu là họ Hồ Đắc, một trong “tứ gia vọng tộc” của xứ Huế với những danh nhân gắn liền với lịch sử của Huế đô và vương triều Nguyễn như Hồ Đắc Trung, Hồ Đắc Khải, Hồ Đắc Hàm, những trí thức xuất thân Nho học, trở thành những “đại thụ” trong nền y dược Việt Nam như Hồ Đắc Di, Hồ Đắc Ân… Làng Chuồn cũng là quê hương của ba anh em họ Đoàn là Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Đoàn Ái, những thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Chày Vôi vào tháng 10 năm 1866 trên công trường xây dựng Vạn Niên Cơ (lăng Tự Đức).

Làng Chuồn có nhiều hải sản nổi tiếng đến từ vùng đầm phá Tam Giang như cá kình, cá nâu, cá bống thệ…, có các loại mắm mang đặc trưng của Huế như mắm tôm, mắm rò… Làng Chuồn còn là quê hương của nhiều sản vật danh tiếng như: trướng liễn, bánh tét, bánh khoái cá kình… và đặc biệt nhất là RƯỢU LÀNG CHUỒN.

RƯỢU LÀNG CHUỒN là loại rượu do triều đình nhà Nguyễn tuyển chọn giống nếp tốt, giao cho dân làng Chuồn trồng tỉa, thu hoạch, nấu thành rượu để tiến vào cung, phục vụ các dịp tế hưởng do triều đình tổ chức. Rượu được xếp vào hàngDANH TỬU, thơm ngon bậc nhất từ xưa đến nay của kinh thành Huế, có hương vị rất riêng nhờ được chưng cất bằng nguồn nước đầm phá làng Chuồn, men truyền thống đặc chế riêng và loại gạo trồng tại đây, có thể làm cho người uống ngất ngây chỉ với một ngụm nhỏ…

Nhạc sĩ Văn Cao trong một lần về Huế được anh em văn nghệ cố đô đưa đi chơi suốt đêm trên sông Hương, phá Tam Giang và nhâm nhi rượu làng Chuồn. Trong cảnh sắc khói sương huyền hoặc trên sông nước, nhạc sĩ vẫn với dáng vẻ chậm rãi, từ tốn nhưng không dấu được sự hào hứng khi cầm chén rượu rồi đưa ra nhận xét thật ngắn theo kiểu rất Văn Cao: “Được… Dày!…”

Chỉ một cái gật gù, ngắn gọn trong buổi tao ngộ ấy nhưng những người bạn văn Huế đều cảm thấy vui vì dễ gì mà bậc “danh trấn giang hồ” trong việc thẩm định rượu lại “chịu” được cái mùi vị rượu làng Chuồn, trong câu chuyện thỉnh thoảng người nấu rượu vẫn tự hào: “Khó như ông Văn Cao mà còn chấm rượu làng Chuồn, huống chi…”