LƯỢC SỬ NGỰ TỬU THỜI NGUYỄN

Thời Nguyễn (1802 – 1945), việc nấu rượu và sử dụng rượu được nhà nước quản lý khá chặt chẽ, nhất là các loại rượu dùng để cung đốn cho các nhu cầu của triều đình như tế lễ, yến tiệc hoặc để bồi bổ sức khỏe nhà vua và các thành viên hoàng gia.

Theo sách Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ, rượu dùng để cúng Trời, Đất, thần linh trong lễ tế Nam Giao được nấu bằng gạo nếp, do phủ Nội vụ tuyển chọn. Còn rượu dùng trong các dịp tế hưởng ở các miếu và ở đàn Tiên Nông, trong các tiết Vạn Thọ (mừng sinh nhật vua), Thánh Thọ (mừng sinh nhật hoàng thái hậu) là rượu nếp do dân các làng nghề nấu rượu ở phủ Thừa Thiên dâng lên. Rượu dùng trong những dịp nhà vua ban yến cho đình thần, cho các tân khoa trạng nguyên hay để khoản đãi sứ thần nước ngoài là rượu nấu bằng gạo tám do các làng nghề nấu rượu ở phủ Thừa Thiên cung tiến.

Ðể có được những loại rượu ngon phục vụ cho nhu cầu của hoàng gia và triều đình, nhà Nguyễn đã cấp tiền cho quan binh các tỉnh tìm mua nhiều loại gạo nếp và gạo tám tốt từ các địa phương, nhập về tạm trữ ở kho của phủ Nội Vụ. Sau đó, phủ Nội Vụ chuyển giao số gạo này cho Quang Lộc Tự để cấp phát cho các hộ nấu rượu chuyên nghiệp ở phủ Thừa Thiên, theo những định mức riêng tùy chất lượng và số lượng của từng hạng rượu thành phẩm mà triều đình cần trưng dụng để phục vụ cho các dịp tế lễ.

Bên cạnh các loại rượu dành riêng cho nhu cầu tế lễ, yến tiệc, triều Nguyễn còn trưng nạp những loại rượu khác để đáp ứng sở thích và bồi bổ sức khỏe cho vua quan triều Nguyễn. Những loại rượu này được gọi chung là dược tửu, nếu là dược tửu dành riêng cho vua thì còn có mỹ danh là ngự tửu.

Đặc biệt, ở Huế có một loại rượu xuất phát từ hoàng cung triều Nguyễn và nổi tiếng khắp cõi trời Nam. Đây là loại rượu thuốc bổ dưỡng vẫn được biết đến với danh xưng Minh Mạng đế tửu. Rượu này là rượu ngâm thuốc bắc, theo toa thuốc Minh Mạng thang.

Theo nhiều nhà nghiên cứu Đông y, toa thuốc này có nguồn gốc từ bài thuốc Độc Hoạt Ký Sinh Thang (tác giả Tôn Tư Mạo – Danh y đời Đường Trung Quốc), Quy Tỳ Thang (của Nghiêm Dụng Hòa – Danh y đời Tống Trung Quốc) và các bài thuốc lục giao tam dụng. Đây là toa thuốc bí truyền, chỉ lưu truyền trong các gia đình Hoàng tộc. Cho đến khi sách vở của hoàng cung bị lọt ra ngoài qua các cuộc binh biến toa thuốc này mới được người đời biết đến. Minh Mạng thang là toa thuốc  có tác dụng nâng cao sinh lực, đặc biệt bổ dương, tăng cường chức năng sinh lý. Khi Minh Mạng (1820-1840) lên ngôi, quan Thái Y trong triều đã dâng vua thang thuốc này để bồi bổ sức khỏe. Theo một số sử sách ghi lại thì dưới thời vua Minh Mạng, trong hậu cung của ông tổng số cung tần mỹ nữ lúc đông nhất lên đến hơn 500 người. Ông có 142 người con, 78 hoàng tử và 64 công chúa. Đây được xem là vị vua nhiều vợ đông con nhất trong các triều đại phong kiến ở Việt nam. Khi nói đến tác dụng của thang thuốc này trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu : “Nhất dạ ngũ giao sinh lục tử” hay ”Nhất dạ ngũ giao tam hữu dụng”… Các bậc “tu mi nam tử” từ đời Minh Mạng trở về sau ai ai cũng mong được thưởng thức loại dược tửu mang tên Minh Mạng đế tửu của triều Nguyễn này…

(Trích lược từ Trần Đức Anh Sơn – Phan Tấn Tô)